Hội diễn văn nghệ ngành GD-ĐT TP.HCM 2015

Thứ sáu, 03/04/2015

Để có những tiết mục hay, đặc sắc mang đến Hội diễn văn nghệ ngành GD-ĐT TP.HCM 2015 vừa qua, các thầy cô giáo, học sinh - sinh viên đã ra sức tập luyện. Đằng sau sự thành công rực rỡ của hội diễn chính là sự cố gắng không mệt mỏi của thầy trò - những “nghệ sĩ không chuyên” này…
Niềm vui sau những giờ lên lớp


Là đơn vị luôn dẫn đầu trong phong trào văn nghệ của khối phòng GD-ĐT nhiều năm qua, Phòng GD-ĐT Q.1 đã tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng, nỗ lực, miệt mài tập luyện để đem đến những tiết mục hoành tráng nhất, đặc sắc nhất cống hiến hết mình cho hội diễn. Giải nhất toàn đoàn khối Phòng GD-ĐT như một phần thưởng xứng đáng cho đơn vị này. Chia sẻ về quá trình tập luyện của các thầy cô, học sinh trong thời gian chuẩn bị cho hội diễn, ông Trần Minh Thành, phụ trách mảng văn nghệ của Phòng GD-ĐT Q.1 cho biết: “Trong quá trình tập luyện, chúng tôi gặp không ít sự cố nhưng bằng sự cố gắng của cả tập thể, thầy cô cùng học sinh đều có sự kết hợp ăn ý, tạo ra một không khí sôi nổi, vui tươi trong những giờ tập văn nghệ”. 

Chương trình “Thành phố ngời sáng tương lai” của Phòng GD-ĐT Q.1 đã tạo được dấu ấn trong lòng khán giả bởi sự đầu tư kỹ lưỡng, dàn dựng công phu, tái hiện những chặng đường phát triển của TP từ ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước đến những năm TP “thay da đổi thịt” từng ngày. Khán giả đã được chứng kiến những tiết mục mang đầy hơi thở cuộc sống, tình yêu với TP xuyên suốt 6 tiết mục của chương trình mà Phòng GD-ĐT Q.1 đem đến hội diễn. 

Đạt giải nhất ở hạng mục hợp ca giáo viên với tiết mục liên khúc Tự nguyện - Khát vọng, Trường THPT Lê Quý Đôn là một trong những đơn vị gây nhiều dấu ấn tại hội diễn. Thời gian chuẩn bị tập luyện cho hội diễn cũng là khoảng thời gian Trường THPT Lê Quý Đôn gấp rút chuẩn bị công tác tiến hành lễ kỷ niệm 140 năm thành lập trường nên việc thu xếp thời gian cho thầy cô và các em học sinh là khó khăn vô cùng. “Chúng tôi phải tranh thủ những buổi chiều cuối tuần để tập luyện. Có hôm phải gác lại buổi tập để chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 140 năm thành lập trường. Khó khăn là thế nhưng các thầy cô, các em học sinh luôn nhiệt tình, đúng giờ giấc”, cô Tạ Huỳnh Phương Linh, giáo viên bộ môn lý, Trợ lý thanh niên Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết. 

Tạo sức lan tỏa
Không khí đêm công diễn và trao giải thưởng hội diễn càng rộn ràng hơn khi những ánh mắt phấn khởi thể hiện trên khuôn mặt của nhiều người. Dưới ánh đèn sân khấu rực rỡ sắc màu, hòa quyện vào lời ca, tiếng hát, tiết mục hợp xướng Ca ngợi Tổ quốc của các thầy cô giáo Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người xem. Cô Vũ Khánh Ly, giáo viên bộ môn toán, phụ trách đội văn nghệ của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tâm sự: “Có nhiều hôm vừa kết thúc tiết dạy buổi sáng, nhiều giáo viên phải tranh thủ tập luyện vào buổi trưa. Người thì bụng đói, người thì mỏi mệt nhưng ai cũng cố gắng để góp phần nhỏ của mình vào chương trình vì thu xếp thời gian là rất khó khăn. Điều đặc biệt của đội văn nghệ trường chúng tôi năm nay là có sự tham gia tập luyện, biểu diễn của Ban Giám hiệu nhà trường. Đó chính là nguồn động viên, khích lệ cho các thành viên là giáo viên và học sinh tham gia hội diễn, tạo không khí vui tươi, thể hiện tinh thần đoàn kết, cảm giác thoải mái, vui chơi trong thế giới âm nhạc của tập thể nhà trường”. Giải nhất toàn đoàn khối THPT, GDTX, CĐ-TCCN đã làm dày thêm bảng thành tích về văn nghệ của ngôi trường nổi tiếng với truyền thống dạy tốt, học tốt.

Có thể thấy trong hội diễn năm nay, phần dự thi ở các thể loại cũng rất phong phú, đặc biệt thể loại hợp xướng được các đơn vị dàn dựng công phu với sự tham gia biểu diễn trong các dàn hợp xướng có gần 100 người (ở hợp xướng của giáo viên và hợp xướng của học sinh) đã mang tính chất chuyên nghiệp trong biểu diễn. Để có thể hoàn thành những tiết mục như vậy đòi hỏi sự cố gắng của tất cả các thành viên trong đội. 

Bà Bùi Thị Diễm Thu - Phó bí thư Đảng ủy - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Nhiều đơn vị đã đầu tư xây dựng chương trình nghệ thuật mang sắc thái riêng với các tiết mục đặc sắc, đầy sáng tạo. Thực tế đó cho thấy các đơn vị có sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo nhà trường. Nhiều đơn vị đã có sự khởi sắc rất đáng khích lệ, khoảng cách giữa nội thành và ngoại thành trong hội diễn văn nghệ năm nay đã dần thu hẹp”. Với một số đơn vị, giọng hát có thể chưa thật trong trẻo, động tác múa có thể chưa mềm mại nhưng những gì các đơn vị thể hiện đã mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả bởi sự chân tình, nhiệt thành trong mỗi lời ca, điệu múa, tạo sự lan tỏa trong phong trào văn nghệ của ngành giáo dục TP.

Các tiết mục biểu diễn của thầy cô và các em học sinh trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong TPHCM 

Yên Hà (Báo Giáo dục TPHCM)

Các tin khác: