Ngày 26/12/2018, Chương trình giáo dục phổ thông mới đã chính thức được ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình mới được triển khai từ năm học 2020-2021 đối với lớp đầu cấp học tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học phổ thông.
Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện trong nhà trường phổ thông, chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện chương trình Ngữ văn 2018 từ năm học 2022-2023, chủ động tiếp cận các bộ SGK Ngữ văn mới, tổ Ngữ văn trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong thực hiện chuyên đề sinh hoạt chuyên môn: Tìm hiểu chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa Ngữ văn mới.
Chuyên đề trên được thực hiện trong 2 buổi:
Buổi 1: Trao đổi những điểm đổi mới căn bản của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình Ngữ văn 2018
1. Thời gian: Tiết 1, Thứ Tư, ngày 23/03/2022
2. Địa điểm: Phòng họp A.
3. Mục đích sinh hoạt chuyên môn: Thực hiện hoạt động trao đổi chuyên môn nhằm chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình Ngữ văn mới từ năm học 2022-2023.
4. Thành viên tham dự: Tất cả các giáo viên của tổ Ngữ văn.
5. Nội dung sinh hoạt:
a. Chủ đề trao đổi: Những điểm đổi mới căn bản của chương trình giáo dục phổ thông và chương trình Ngữ văn 2018
b. Nội dung trao đổi:
- Khái quát những điểm mới của chương trình giáo dục giáo dục phổ thông tổng thể:
- Về mục tiêu giáo dục: Chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học.
- Về kế hoạch và nội dung giáo dục: Khung kế hoạch giáo dục lớp 10
- Về phương pháp dạy học và đánh giá:
- Tập trung thảo luận về những điểm mới của chương trình Ngữ văn 2018: quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu chương trình, nội dung giáo dục, phương pháp hình thành và phát triển năng lực ngữ văn cho HS THPT theo định hướng chương trình mới…
Buổi 2: Tọa đàm Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Sách giáo khoa mới
- Thời gian: Từ 8h-11h, Thứ Tư, ngày 30/03/2022
- Địa điểm: Phòng họp A.
- Mục đích buổi tọa đàm: Tập huấn nâng cao chuyên môn đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chủ động tiếp cận, đánh giá các SGK Ngữ văn lớp 10 mới.
- Báo cáo viên: TS Nguyễn Thị Ngọc Thúy – Tổ trưởng Tổ Lí luận và phương pháp dạy học Ngữ văn Trường ĐHSP TPHCM – Đồng tác giả biên soạn SGK Ngữ văn 10 (bộ Chân trời sáng tạo).
- Thành viên tham dự: Tất cả các giáo viên của tổ Ngữ văn.
- Nội dung buổi tọa đàm:
Phần 1: Khái quát những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018
Trong phần này, TS Nguyễn Thị Ngọc Thúy báo cáo các điểm đổi mới căn bản, quan trọng của chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên các phương diện quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu chương trình, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, kế hoạch và nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục. Trong đó, TS đã chỉ rõ những điểm khác biệt của CT 2018 so với CT hiện hành: 1) Chú trọng dạy HS “làm”, 2) Nhấn mạnh tính phân hóa, 3) Nhấn mạnh tính tích hợp, 4) Đảm bảo tính liên thông, 5) Có tính mở.
Đồng thời, TS cũng phân tích sự đổi mới về mục tiêu dạy học theo tinh thần chương trình Ngữ văn 2018: tập trung vào việc xác định phẩm chất và năng lực (chung và đặc thù) cần hình thành và phát triển của HS thông qua quá trình học tập. HS được khuyến khích tham gia học tập thông qua trải nghiệm, khám phá, vận dụng…
Phần 2: Tìm hiểu sự đổi mới của Sách giáo khoa
Trong phần này, TS Nguyễn Thị Ngọc Thúy đã giới thiệu các SGK Ngữ văn 10, chia sẻ về quan điểm biên soạn SGK của chương trình mới và mô tả về cấu trúc của SGK Ngữ văn lớp 10. Các nội dung được nhấn mạnh trong phần này là quan điểm tích hợp thể hiện trong các bài học của SGK (tích hợp các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe; tích hợp chủ điểm và thể loại…), bài học Ngữ văn được thiết kế theo các nhiệm vụ học tập…
Phần 3: Lưu ý về cách sử dụng chương trình và Sách giáo khoa mới
TS Nguyễn Thị Ngọc Thúy đã định hướng một số lưu ý quan trọng cho tổ chuyên môn về cách sử dụng chương trình và sách giáo khoa mới trong năm học 2022-2023:
- Dùng chương trình để xây dựng KHDH, KH tổ chức các hoạt động giáo dục của tổ chuyên môn (theo CV 5512).
- Dùng chương trình làm căn cứ để chọn SGK, xây dựng tài liệu dạy học, thống nhất ngữ liệu (văn bản) trong tổ chuyên môn (dựa vào NỘI DUNG DẠY HỌC: YCCĐ về đọc, viết, nói, nghe; kiến thức văn học + tiếng Việt; thể loại).
- Dùng chương trình để quản lí công tác chuyên môn trong tổ chuyên môn
Phần 4: Một số khó khăn khi triển khai chương trình mới
Trong phần này, TS Nguyễn Thị Ngọc Thúy chia sẻ một số khó khăn đến từ chính các GV đã tiếp cận và thực hiện chương trình mới từ năm học trước, đồng thời giải đáp một số vấn đề thắc mắc của tổ chuyên môn.
Thông qua phiên tọa đàm, tổ Ngữ văn đã có những định hướng quan trọng cho việc thực hiện giảng dạy chương trình mới 2018 và sẵn sàng chuẩn bị cho những kế hoạch tiếp theo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới trong nhà trường, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Cô Nguyễn Thị Ái Vân – Tổ trưởng chuyên môn đã đại diện tổ phát biểu cảm ơn và tổng kết kết quả làm việc của buổi tọa đàm:
Cô Nguyễn Thị Ái Vân – Tổ trưởng chuyên môn, cô Phạm Thị Thanh Nga – Tổ phó chuyên môn và cô Trần Thị Ngọc Phượng tặng hoa TS Nguyễn Thị Ngọc Thúy.
Sau đây là một số hình ảnh tổ Ngữ văn cùng TS Nguyễn Thị Ngọc Thúy trong buổi tọa đàm: