SINH HOẠT CHUYÊN MÔN: NGHIÊN CỨU BÀI HỌC
SỐNG CÙNG KÍ ỨC CỦA CỘNG ĐỒNG – KĨ NĂNG ĐỌC VÀ VIẾT
1. Xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch bài học nghiên cứu
1.1. Mục tiêu bài học: Phát triển các năng lực và phẩm chất được quy định trong chương trình tương ứng với nội dung dạy học kĩ năng đọc và viết ở bài 2 – Sống cùng kí ức của cộng đồng.
1.2. Xây dựng kế hoạch bài học: Hai GV đại diện tổ thực hiện kế hoạch bài dạy minh hoạ (cô Đặng Trần Kim Liên và thầy Lâm Hoàng Phúc), các GV khác hỗ trợ, góp ý về kế hoạch bài học.
2. Bài giảng minh hoạ:
2.1. Kĩ năng đọc: “Gặp Ka-ríp và Xi-la” (Trích sử thi “Ô-đi-xê” – Hô-me-rơ) – Cô Đặng Trần Kim Liên
a. Thông tin chung:
- Họ và tên giáo viên giảng dạy: Cô Đặng Trần Kim Liên.
- Thời gian: Tiết 2-3, thứ Tư, ngày 12/10/2022
- Địa điểm: Phòng D208
- Lớp dạy minh hoạ: 10CP.
- Tên bài: Gặp Ka-ríp và Xi-la (Trích sử thi “Ô-đi-xê” – Hô-me-rơ).
b. Tiến trình bài học:
- Giáo viên triển khai bài giảng trong 2 tiết với định hướng phát triển năng lực đọc hiểu tác phẩm thuộc thể loại sử thi. Cụ thể tiến trình bài học:
+ Hoạt động 1: Khởi động – Trò chơi Truy tìm kho báu: HS thực hành trả lời 6 câu hỏi trắc nghiệm để ôn tập lại kiến thức nền về đặc trưng của thể loại sử thi.
+ Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới – Tìm hiểu về tác giả Hô-me-rơ và sử thi “Ô-đi-xê”:
- GV dùng phương pháp thuyết giảng để giới thiệu khái quát về tác giả Hô-me-rơ và sử thi “Ô-đi-xê”.
- HS chia sẻ cảm nhận ban đầu của mình về sử thi “Ô-đi-xê” dựa vào phần tóm tắt sử thi và những tư liệu HS tìm hiểu được ở nhà.
+ Hoạt động 3: Hình thành kiến thức mới – Đọc hiểu văn bản – giai đoạn trước khi đọc: GV tổ chức cho HS trả lời câu hỏi trước khi đọc: Em hãy cho biết một người lãnh đạo cần có những năng lực và phẩm chất ưu trội nào?
+ Hoạt động 4: Hình thành kiến thức mới – Đọc hiểu văn bản – giai đoạn trong khi đọc:
- GV minh hoạ kĩ năng đọc theo dõi, đọc dự đoán bằng một đoạn trong văn bản bằng kĩ thuật nói to suy nghĩ.
- GV yêu cầu HS đọc phần còn lại và chia sẻ phần thu hoạch ở kĩ năng đọc suy luận.
+ Hoạt động 5: Hình thành kiến thức mới – Đọc hiểu văn bản – giai đoạn sau khi đọc – Tìm hiểu về cốt truyện, nhân vật, lời kể:
- Chuyển giao nhiệm vụ: GV tổ chức cho HS hoạt động theo nhóm để tìm hiểu về các phương diện của sử thi bằng phương pháp dạy học hợp tác – kĩ thuật mảnh ghép.
Vòng 1: Nhóm chuyên gia tìm hiểu về cốt truyện, nhân vật, lời người kể và lời nhân vật.
Vòng 2: Nhóm mảnh ghép để triển khai cho các thành viên những kết quả mình đã thảo luận được.
- Kết thúc quá trình thảo luận, HS đăng tải 01 kết quả tốt nhất của nhóm trên link Padlet. GV yêu cầu 01 nhóm lên trình bày kết quả thảo luận (theo định hướng tiêu chí kĩ năng trình bày – lắng nghe của bảng kiểm). Các nhóm khác lắng nghe, nhận xét, góp ý và đánh giá theo tiêu chí được đề xuất trong bảng kiểm.
+ Hoạt động 6: Hình thành kiến thức mới – Đọc hiểu văn bản – giai đoạn sau khi đọc – Tìm hiểu về cảm hứng chủ đạo: GV sử dụng phương pháp phát vấn để yêu cầu HS rút ra cảm hứng chủ đạo của văn bản.
+ Hoạt động 7: Hình thành kiến thức mới – Đọc hiểu văn bản – giai đoạn sau khi đọc – Tìm hiểu về bối cảnh lịch sử - văn hoá: GV sử dụng phương pháp dạy học hợp tác theo nhóm cặp đôi để yêu cầu HS rút ra cảm hứng chủ đạo của văn bản.
+ Hoạt động 8: Kết nối, liên hệ: GV tổ chức để HS suy nghĩ, trả lời: Qua việc đọc Gặp Ka-ríp và Xi-la, em đã học được những bài học ý nghĩa nào?
2.2. Kĩ năng viết: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội - Thầy Lâm Hoàng Phúc
a. Thông tin chung:
- Họ và tên giáo viên giảng dạy: Thầy Lâm Hoàng Phúc.
- Thời gian: Tiết 2-3, thứ Tư, ngày 19/10/2022
- Địa điểm: Phòng D203
- Lớp dạy minh hoạ: 10CA1.
- Tên bài: Nghị luận về một vấn đề xã hội.
b. Tiến trình bài học:
- Giáo viên triển khai bài giảng trong 2 tiết với định hướng phát triển năng lực viết kiểu bài nghị luận về một vấn đề xã hội. Cụ thể tiến trình bài học:
+ Hoạt động 1: Khởi động – GV đặt vấn đề: Vì sao chúng ta viết kiểu bài này?. HS trao đổi để đưa ra những tình huống thực tiễn ta cần viết bài nghị luận về một vấn đề xã hội.
+ Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới – Tìm hiểu về đặc trưng và yêu cầu của kiểu bài:
- GV dùng phiếu KWL mà HS đã chuẩn bị ở nhà để yêu cầu HS nêu ra các đặc trưng và yêu cầu của kiểu bài nghị luận về một vấn đề xã hội (kết hợp kiến thức ở SGK/54).
- Từ yêu cầu của kiểu bài, GV giúp HS chuyển hoá thành bảng kiểm với các tiêu chí đánh giá cụ thể. Từ bảng kiểm, GV trao đổi, thảo luận với HS để thêm/ bớt các tiêu chí, hoàn thiện cơ sở đánh giá kiểu bài.
+ Hoạt động 3: Thực hành phân tích mẫu:
- GV yêu cầu HS sử dụng tiêu chí đã khái quát thành bảng kiểm để đánh giá và phân tích văn bản mẫu ở trang 54, 55. Trong khi đánh giá, HS trình bày căn cứ đưa ra đánh giá của bản thân.
- Kết thúc thời gian làm việc nhóm, GV tổ chức cho HS trao đổi xoay quanh văn bản mẫu để đúc kết kinh nghiệm viết kiểu bài.
+ Hoạt động 4: Hướng dẫn quy trình viết và thực hành viết theo quy trình.
- GV yêu cầu HS nêu lại 4 bước thực hiện quy trình viết.
- Từ 4 bước chung ấy, GV hướng dẫn HS từng chặng của quy trình viết. Sau khi hướng dẫn giai đoạn nào, GV tổ chức cho HS làm việc (nhóm lớn, nhóm cặp đôi, vấn đáp cá nhân,…) để thực hành chính công việc trong giai đoạn ấy.
- Kết thúc bước 2 (Tìm ý và lập dàn ý), HS tạo được một dàn ý chung của cả nhóm, bao gồm 3 yếu tố: luận điểm, lí lẽ và bằng chứng.
- Bước 3, 4: HS chuyển dàn ý thành bài viết và chỉnh sửa (Thực hiện ở nhà).
3. Thảo luận, trao đổi về bài học nghiên cứu
Cô Nguyễn Thị Ái Vân - tổ trưởng tổ Ngữ văn nhận xét, đánh giá tiết học
3.1. Về kĩ năng đọc: Các giáo viên của tổ chuyên môn đã có những đánh giá tích cực đối với bài thao giảng, từ đó tổng kết được các ưu điểm và hạn chế sau:
- Ưu điểm:
+ Thiết kế giáo án đúng theo chuẩn CV 5512 nhằm phát triển năng lực của người học.
+ Bài giảng có sự đầu tư nghiêm túc, công phu về nội dung. GV nắm chắc kiến thức và triển khai bài giảng đúng hướng.
+ Kết hợp nhuần nhuyễn các công cụ, ứng dụng công nghệ thông tin và các phương pháp dạy học tích cực vào bài dạy, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học qua các hoạt động học tập. (cô Mỹ Lan)
+ GV thực hiện tốt hoạt động kết nối bài học với cuộc sống. (cô Kim Hạnh)
+ GV đã thực hiện được tất cả các hoạt động dự kiến trong kế hoạch bài học. (cô Ngọc Phượng)
+ Bài dạy đã có sự kết hợp của nhiều phương pháp giảng dạy, tiết học diễn ra trôi chảy, HS hợp tác tốt trong các hoạt động GV tổ chức. (cô Thanh Nga)
- Góp ý phát triển bài dạy:
+ Các GV trong tổ Ngữ văn cùng nhau góp ý hoàn thiện kế hoạch bài học.
+ Cô Nguyễn Thị Ái Vân đánh giá tổng kết tiết thao giảng: Trong tiết dạy, GV thể hiện rõ các thao tác thực hiện phương pháp mới; giúp HS dễ dàng tiếp thu và thực hiện nhuần nhuyễn. Thực hiện tốt tiến trình bài học và bám sát yêu cầu cần đạt của bài học. GV có sự kết nối tốt từ nội dung và kĩ năng trong bài học đến đời sống.
3.2. Về kĩ năng viết:
- Ưu điểm:
+ Thiết kế giáo án đúng theo chuẩn CV 5512 nhằm phát triển năng lực của người học.
+ Bài giảng có sự đầu tư nghiêm túc, công phu về nội dung. GV nắm chắc kiến thức và triển khai bài giảng đúng hướng.
+ Kết hợp nhuần nhuyễn các công cụ, ứng dụng công nghệ thông tin và các phương pháp dạy học tích cực vào bài dạy, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học qua các hoạt động học tập.
+ Bài giảng có độ sâu: GV không dừng lại ở những kiến thức như sách giáo khoa đã đề cập mà còn có những lưu ý để học sinh hiểu sâu hơn vấn đề.
+ Bài giảng có độ thật, giúp người dự có thể rút ra những kinh nghiệm (bao gồm cả cái cần học và cái cần tránh) cho mình trong quá trình giảng dạy trên lớp.
- Góp ý phát triển bài dạy:
+ Trao đổi từ TS. Nguyễn Thành Ngọc Bảo:
- Cân nhắc tách kiến thức ra khỏi mục tiêu (kiến thức không phải là mục tiêu). Không nên quá quan trọng khởi động về nội dung (vấn đề xã hội).
- Có thể đơn thuần hỏi đáp để cung cấp cho HS yêu cầu về kiểu bài. Lưu ý: Đọc văn bản mẫu là để củng cố tri thức về kiểu bài.
- Nên cho HS nhận xét nhiều hơn về bảng kiểm; chú ý khai thác hiệu quả hơn về các hộp thông tin ở bên phải bài viết mẫu.
- Về mặt quy trình chọn đề tài: Nên đưa ra tiêu chí chọn trước rồi mới cho HS chọn trước.
- Về việc lập dàn ý: Không nên áp trước sô lượng và loại luận điểm HS cần đạt được trong bài viết vì như thế sẽ bị mâu thuẫn với yêu cầu trong bảng kiểm.
+ Cô Nguyễn Thị Ái Vân đánh giá tổng kết tiết thao giảng: Trong tiết dạy, GV tổ chức được một chuỗi hoạt động để xây dựng và phát triển năng lực viết của HS. GV thực hiện tốt tiến trình bài học và bám sát yêu cầu cần đạt của bài học; HS có sự chú tâm theo dõi và phản hồi tích cực đối với các nhiệm vụ được giao.
3.3. Tiến sĩ Nguyễn Thành Ngọc Bảo báo cáo chuyên đề sinh hoạt về kiểm tra đánh giá: Bài báo cáo được tiến hành trong khoảng 1 giờ 30 phút (từ 9g15 đến 10gh45) với các nội dung chính như sau:
- Một số nội dung cốt lõi của thông tư số 22/TT/2021/TT-BGDĐT ngày 20/07/2021 về đánh giá thường xuyên;
- Đối với cách đánh giá định kì: được quy định ở công văn 3175, trong đó lưu ý:
+ “Tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập, yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới”;
+ “Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh”.
- Đề xuất các phương án thiết kế bài kiểm tra giữa kì I đáp ứng yêu cầu của chương trình ngữ văn 2018.
- Hướng dẫn xây dựng ma trận đề, bảng đặc tả, đề kiểm tra định kì môn ngữ văn 10 đáp ứng yêu cầu của chương trình ngữ văn 2018: Trong phần này, TS. Nguyễn Thành Ngọc Bảo xuất phát từ cơ sở chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 để đưa ra quan điểm, ý kiến về ma trận, bảng đặc tả, giúp GV hiểu rõ hơn về cách thức xây dựng ma trận kiểm tra theo chương trình 2018.
- Hướng dẫn quy trình thiết kế ma trận đề, bảng đặc tả và đề kiểm tra với 6 bước.
TS. Nguyễn Thành Ngọc Bảo nhận lẵng hoa từ tổ Ngữ văn
4. Áp dụng cho thực tiễn dạy học hàng ngày:
- Từ việc tổ chức tiết dạy minh hoạ và phân tích, thảo luận về tiết dạy, GV tổ Ngữ văn rút ra kinh nghiệm trong quá trình triển khai giảng dạy chương trình Ngữ văn 2018 ở hai kĩ năng đọc và viết.
- Từ báo cáo của TS. Nguyễn Thành Ngọc Bảo, GV tổ Ngữ văn đã hình dung một cách rõ ràng, cụ thể và khoa học hơn về đặc điểm của đề kiểm tra và quy trình thiết kế đề kiểm tra định kì trong chương trình 2018.
Tổ Ngữ văn và TS. Nguyễn Thành Ngọc Bảo trong buổi tổng kết chuỗi hoạt động nghiên cứu bài học