Hành trình văn học là một trong những hoạt động ngoại khóa mang tính truyền thống của Tổ Bộ môn Ngữ văn nói riêng và của trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong nói chung. Tiếp nối định hướng của ngoại khoá năm 2020 - 2021 với các mục tiêu về đổi mới dạy học, lấy người học làm trung tâm; giúp các em tích cực, chủ động trong việc tiếp thu tri thức thông qua hình thức trải nghiệm mới mẻ, ngoại khoá “Hành trình văn học” lần thứ 2 đã được tổ chức hết sức thành công vào ngày 23/2/2022 vừa qua. Thực hiện chỉ đạo của các ban ngành và nhà trường về phòng chống dịch bệnh nên số lượng học sinh tham gia vẫn giới hạn ở hai lớp 11CV1 và 11CV2. Địa điểm tổ chức khá quen thuộc với những người yêu sách và đam mê văn học: Đường sách Nguyễn Văn Bình. Trong không khí vui tươi của buổi ngoại khóa cùng với sự náo nhiệt của Hội sách Xuyên Việt diễn ra đồng thời tại nơi đây, các em học sinh đã có một ngày thật sôi nổi với nhiều hoạt động bổ ích. Không chỉ học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các diễn giả mà các em còn cùng nhau tạo nên những kỉ niệm đáng nhớ cùng thầy cô và bạn bè.
Nguồn ảnh: Hội sách Xuyên Việt
Giáo viên tổ Ngữ văn tham gia buổi ngoại khoá
Hành trình văn học mở đầu với buổi giao lưu cùng khách mời TS. BS. Tạ Đức Luận. Với niềm đam mê văn học cháy bỏng từ thuở thiếu thời, bác sĩ đã ấp ủ và cuối cùng cho ra đời tác phẩm truyện kí Làng Tân – Chuyện chưa ai kể. Giáo viên Tổ Văn và các em học sinh rất vinh dự được bác sĩ trao tặng đứa con tinh thần ấy với những thông điệp đầy ý nghĩa. “Dù thời cuộc có khi không cho phép tôi có thời gian dành cho niềm say mê văn chương nhưng ước mơ sáng tác thì luôn cháy bỏng trong lòng tôi. Để hôm nay, với lòng kiên trì đó, tôi đã có được tác phẩm của riêng mình…” Tất cả những lời chia sẻ của bác sĩ là một sự khích lệ tinh thần to lớn đối với các em học sinh, để các em có thể tiếp tục nỗ lực, kiên trì theo đuổi đam mê văn chương của mình. Sự chân thành của khách mời và lòng trân trọng của giáo viên, học sinh trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong đã khiến không khí của buổi giao lưu trở nên nồng ấm, thân thiết như một gia đình – mái nhà tinh thần của những người yêu văn chương.
Giao lưu cùng khách mời TS. BS. Tạ Đức Luận
Tác phẩm “Làng Tân”
Giáo viên và học sinh nhận sách từ tác giả Tạ Đức Luận
Cô Nguyễn Thị Ái Vân – Tổ trưởng Bộ môn Ngữ Văn dành tặng bó hoa tươi thắm thay lời cảm ơn đến khách mời
Tiếp đến, các bạn học sinh được giao lưu cùng diễn giả Trung Nghĩa – tác giả của nhiều đầu sách quen thuộc với giới trẻ như Sydney yêu thương, Bí mật ở Cannes, Từ Bàn Môn Điếm đến Chernobyl, v.v.. Trong chủ đề Làm thế nào để viết một tác phẩm và xuất bản một quyển sách?, nhà văn – nhà báo Trung Nghĩa đã cung cấp những kiến thức vô cùng thiết thực với lối thuyết trình dí dỏm đã khiến cho không khí trở nên sôi động và vui tươi hơn hẳn giữa tiết trời oi ả của buổi trưa tháng hai. Tác giả cho rằng viết là một nhu cầu tự thân và bước đầu tiên để viết ra một tác phẩm chính là “Ngồi vào bàn và viết” (Nguyễn Nhật Ánh). Để một tác phẩm sống được trong lòng người đọc cần sự kết tinh của nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là những thông điệp có ý nghĩa, những chi tiết đắt giá và một chút yếu tố hài hước. Ngoài ra, diễn giả cũng cung cấp cho người nghe về cách xuất bản một quyển sách đúng quy trình: Trước hết, các tác giả cần chủ động gửi bản thảo của mình đến các nhà xuất bản; sau khi nhận được phê duyệt thì tiến hành chỉnh sửa hoàn thiện; tiếp đó thì lên kế hoạch trình bày cho tác phẩm, .v.v.
Giao lưu cùng nhà văn – nhà báo Trung Nghĩa và các khách mời khác
Trong buổi toạ đàm, các em học sinh của hai lớp chuyên Văn đã có những giờ phút trao đổi thật bổ ích với nhà văn. Các em bày tỏ niềm trăn trở của mình về việc sáng tác, về mong muốn hoàn thiện tác phẩm mà các em ấp ủ từ lâu, về ý nghĩa của những chuyến đi trong hành trình sống và trải nghiệm của tuổi trẻ, về giá trị của văn chương trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay,… Câu hỏi đặt ra cho nhà văn chứng tỏ sự trưởng thành từng ngày của các em học sinh, về cả nhận thức lẫn tình cảm. Các em đã có thể nhìn thấy rộng hơn những trang văn, đã biết quan tâm đến mối quan hệ thiết thực giữa trang văn và cuộc đời,… Những chia sẻ của tác giả Trung Nghĩa đã thực sự gieo vào lòng các em những hạt giống tốt đẹp, để từ đây, với niềm đam mê của riêng mình và sự dạy bảo của thầy cô, các em sẽ còn vươn cao, vươn xa hơn. Những lời tâm huyết của cô Nguyễn Thị Ái Vân – tổ trưởng Tổ Văn, rằng gốc rễ của văn chương, xét đến cùng là những trải nghiệm của mỗi người, bởi nhà văn là người “sống rất nhiều cuộc đời khác nhau” đã tổng kết thật sâu sắc ý nghĩa của buổi ngoại khoá: Đó là hành trình trải nghiệm, đưa học sinh đến gần với các nhà văn đương đại, đến gần với hơi thở tươi xanh của cuộc sống bên ngoài, và từ đó trang đời sẽ làm sâu sắc hơn trang văn của các em.
Học sinh đặt câu hỏi tương tác với nhà văn
Cô tổ trưởng Nguyễn Thị Ái Vân (bên phải) và cô tổ phó Phạm Thị Thanh Nga (bên trái)
trong buổi ngoại khoá
Cô Nguyễn Thị Ái Vân phát biểu tổng kết buổi toạ đàm với nhà văn
Như thường lệ, hoạt động cuối cùng của ngoại khoá sẽ là hành trình trải nghiệm tự do và sáng tạo sản phẩm của học sinh. Các em sẽ chia thành nhiều nhóm và tiến hành tham quan các gian hàng trưng bày sách, thu thập tư liệu để hoàn thành bài thi viết cảm nhận về Hành trình văn học. Tuy gặp không ít khó khăn do dịch bệnh song cácnhóm đều chăm chú tìm hiểu về các gian hàng, tích cực phỏng vấn thầy cô, diễn giả, nhà văn, v.v. để bài viết trở nên phong phú hơn. Đây cũng chính là động lực để giáo viên Tổ Bộ môn Ngữ Văn cố gắng tổ chức thêm nhiều hoạt động ngoại khóa ý nghĩa và bổ ích dành cho học các khối.
Học sinh tham quan đường sách, thu thập tư liệu cho sản phẩm nhóm
Tuy hành trình diễn ra ngắn ngủi, song chắc hẳn đã để lại dấu ấn sâu sắc đối với mỗi em học sinh chuyên Văn THPT Chuyên Lê Hồng Phong. Các em đều đã tạo nên những sản phẩm chất lượng, mang đậm cá tính sáng tạo và những trải nghiệm rất riêng của mình. Như chia sẻ của các thành viên trong nhóm 3 – lớp 11CV2: “Hoạt động ngoại khóa cùng với những cá thể riêng biệt nhưng lại gặp gỡ ở niềm say mê văn học nói chung, đối với chúng em, đã thành công vượt trên ý nghĩa đơn thuần của chính nó: chính nơi diễn ra hoạt động này đây, chúng em đã có cơ hội được tìm đến với sách, với văn chương cách chân thật và sống động hơn rất nhiều. Trái tim của bao bạn đọc trẻ giờ đây đã tìm thấy nơi mình thuộc về, được chữa lành và được vỗ về, ôm ấp. Tuy chỉ đường sách có tuổi đời non trẻ nhưng đây luôn là địa điểm được nhiều độc giả tìm đến với những giá trị văn hóa, tinh thần độc đáo. Tại nơi đây, những mảnh đời xa tìm kiếm sự đồng điệu trong tâm hồn người. Tại nơi này, thứ gọi là “văn hóa đọc” đã, đang, và chắc chắn sẽ còn lan xa và mãnh liệt hơn thế nữa.” Khi đọc được những chia sẻ chân thànhấy, ban giám khảo càng tin rằng hoạt động ngoại khoá lần này đã mang đến những tác động tích cực đối với các em.
Sau cùng, ban tổ chức rất vui mừng được công bố kết quả của cuộc thi như sau:
- Giải Nhất: lớp 11CV1 – Nhóm 2;
- Giải Nhì: Lớp 11CV2 – Nhóm 3;
- Giải Ba: Lớp 11CV1 – Nhóm 1 và Nhóm 3;
- Giải khuyến khích: Lớp 11CV2 – Nhóm 1 và Nhóm 2.